30 năm công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, nay là Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), Thầy thuốc Ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Chi (SN 1961), quê ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành của cả nước về hồi sức cấp cứu. Với ông, hạnh phúc bình dị là được cống hiến để mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân.
30 năm gắn bó với A9
Chiều cuối tuần, Trung tâm Cấp cứu A9 vẫn hối hả người ra, vào. Tại khu vực đón tiếp và các phòng bệnh, đội ngũ y, bác sĩ tập trung cấp cứu những bệnh nhân mới nhập viện, dùng hết khả năng của mình “kéo” những người bệnh trở về từ cõi chết. Vừa chủ trì hội chẩn một ca bệnh mang thai 5 tháng, có khối u nguy hiểm đến tính mạng, PGS.TS Nguyễn Văn Chi vội đến hỗ trợ cấp cứu một trường hợp bị tai nạn giao thông, biến dạng hộp sọ.
Thầy thuốc Ưu tú, PGS. TS Nguyễn Văn Chi khám, điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang cấp cứu tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu A9.
Xử lý công việc xong, ông dành thời gian tiếp chúng tôi. Trong căn phòng làm việc nhỏ, được bài trí ngăn nắp, khoa học tại A9, ông chia sẻ: “Là đơn vị đầu ngành, tuyến cao nhất về hồi sức cấp cứu, mỗi ngày A9 tiếp nhận gần 300 bệnh nhân, trong đó đa phần là những ca nặng, phức tạp. Để giành giật sự sống cho người bệnh, chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng, bất kể ngày hay đêm”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi chia sẻ.
Nói rồi ông kể về hành trình đến với nghề thầy thuốc. Theo lời ông, trước ngày thi tuyển vào THPT, ông bị đau mắt tưởng chừng bỏ thi do không thể ôn tập. Được các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tận tình điều trị, ông bắt đầu mơ ước trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Trong suốt thời gian học THPT, ông tập trung ôn tập, là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi của tỉnh rồi thi đỗ chuyên ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Hà Nội. Lựa chọn được ngành học phù hợp, sinh viên Nguyễn Văn Chi không ngừng học hỏi, nỗ lực.
Năm 1992, ông tốt nghiệp với thành tích sinh viên xuất sắc toàn khoá và là 1 trong 2 sinh viên tốt nghiệp của khóa thi đỗ bác sĩ nội trú chuyên ngành hồi sức cấp cứu. “Ngay từ những ngày đầu theo học bác sĩ nội trú, tôi may mắn được các thầy cô danh tiếng của A9 dìu dắt, hướng dẫn nên sớm tiếp cận chuyên ngành, hoàn thành tốt các nội dung học tập. Kết thúc khóa học, năm 1994, tôi được nhận về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai và gắn bó đến giờ”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói.
Được biết, năm 2019, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu. Một năm sau, Trung tâm Cấp cứu A9 được thành lập trên cơ sở sáp nhập khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Ngoại, ông trở thành Giám đốc đầu tiên của Trung tâm. Đến năm 2022, do đến tuổi nghỉ hưu, ông không tham gia công tác quản lý tại Trung tâm Cấp cứu A9 và trở thành chuyên gia phụ trách chuyên sâu về giảng dạy, nghiên cứu tại A9.
– Điều gì giữ chân ông ở lại với A9? – tôi hỏi.
– Từ lúc lựa chọn ngành y, tôi đã mong được làm lâm sàng, làm chuyên môn. Mấy chục năm qua, tôi đã quen với guồng làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả tại A9 và còn rất nhiều tâm huyết với ngành hồi sức cấp cứu nên dù có nhiều lời mời, tôi vẫn ở lại đây, vẫn là một thành viên trong gia đình A9 – Ông trả lời.
Nỗ lực hết mình vì người bệnh
Chia sẻ về lý do chọn hồi sức cấp cứu, không phải những chuyên ngành khác, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho rằng đã theo nghề y, công tác ở lĩnh vực nào cũng phải nỗ lực không ngừng để làm tròn bổn phận người thầy thuốc, để chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Nếu như các lĩnh vực khác chỉ cần giỏi một chuyên khoa thì làm việc ở môi trường đặc biệt như hồi sức cấp cứu lại đòi hỏi người bác sĩ phải có kiến thức tổng hợp ở tất cả các chuyên khoa và phải sử dụng được các kỹ thuật để có thể tiếp cận sớm với các vấn đề bệnh lý của bệnh nhân.
“Khi người bệnh đến A9, hầu hết các trường hợp đều nặng, nguy kịch, thời gian cấp cứu phải rất khẩn trương. Mỗi lần tiếp nhận ca cấp cứu mới, nhìn ánh mắt hy vọng của người nhà bệnh nhân, tôi cùng đồng nghiệp lại càng quyết tâm hơn để tìm cơ hội sống cho người bệnh và càng thấy gắn bó với nghề”, ông nói.
Lật cuốn nhật ký ghi lại những ca bệnh đặc biệt trong hành trình hơn 30 năm cứu người của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Chi kể, hơn 20 năm trước, A9 tiếp nhận bệnh nhân Ngô Thị Kim C (ở Hải Dương) bị mất máu nguy kịch sau sinh, rối loạn đông máu nặng. Qua nhiều ngày bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, tình trạng mất máu và rối loạn đông máu khó kiểm soát, các chuyên gia đều nhận định khó có khả năng cứu sống bệnh nhân. Song với tâm niệm “cứu một người hơn xây 7 tòa tháp”, ông động viên đồng nghiệp kiên trì chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Như một phép màu, sau 151 ngày điều trị, bệnh nhân đã dần hồi phục và trở về cuộc sống bình thường.
Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Thị H ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) nhập viện do nhiễm trùng tử cung, hôn mê nhiều ngày, suy đa phủ tạng, đe doạ tử vong. Là người trực tiếp theo dõi, điều trị ngay từ đầu, bác sĩ Nguyễn Văn Chi khẳng định với tình trạng người bệnh, để điều trị thành công cần phải có một loại kháng sinh cực mạnh. Sau khi tìm hiểu, biết được trên thị trường mới có thuốc kháng sinh Tienam – một loại kháng sinh mới, quý, chưa có tại Việt Nam. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, ông trực tiếp viết thư cho Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á của hãng dược này và được gửi tặng một liều. Nhờ đó bệnh nhân được cứu sống.
Ngay như trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai, A9 tiếp nhận bệnh nhân bị ngừng tim trước đó. Việc cấp cứu ngừng tim kéo dài suốt 120 phút song không có kết quả. Lại thêm lần nữa, ông động viên kíp trực tiếp tục ép tim, kéo lại sự sống cho người bệnh. “Nếu theo quy định, thời gian cấp cứu ngừng tim chỉ kéo dài trong 60 phút bởi sau thời gian đó, cơ hội sống của bệnh nhân gần như không còn. Bằng kinh nghiệm và linh cảm của mình, tôi vẫn động viên các bác sĩ thay nhau ép tim và điều thần kỳ đã đến”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi nhớ lại.
Nặng lòng với quê hương
Được biết năm 2008, bác sĩ Nguyễn Văn Chi được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2011, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Tăng đường huyết và nhồi máu cơ tim” tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2018, ông được phong học hàm Phó Giáo sư. Trong suốt thời gian công tác, bác sĩ Nguyễn Văn Chi tham gia 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với tư cách chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm; 5 nghiên cứu hợp tác quốc tế về đột quỵ não và tăng huyết áp, trong đó có 3 nghiên cứu do ông làm chủ nhiệm đề tài; biên soạn 29 đầu sách y học… Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội cấp cứu Việt Nam VSEM, PGS.TS Nguyễn Văn Chi tham gia và trực tiếp hỗ trợ các tỉnh, TP xây dựng và phát triển hệ thống các khoa cấp cứu, ứng dụng, phát triển nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến trong chuyên môn lâm sàng.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông cùng đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực hết mình trong công tác điều trị, cấp cứu. PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trước mỗi nhiệm vụ, thầy Chi luôn là người tiên phong, không ngại khó, ngại khổ. Ngay trong đợt dịch Covid-19, thầy dẫn nhiều đoàn cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện xông pha vào các điểm “nóng”, vùng tâm dịch trên cả nước như: Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh… để trực tiếp chi viện, hỗ trợ, góp sức điều trị cho bệnh nhân. Chính tinh thần “chiến đấu” của thầy đã tiếp thêm sức mạnh, tinh thần vì cộng đồng của lớp bác sĩ trẻ hôm nay”.
Bên cạnh chữa trị cho bệnh nhân, hằng năm, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều hoạt động từ thiện. Ông là một trong những sáng lập viên của Câu lạc bộ Bác sĩ và những người bạn – ngôi nhà chung của nhiều bác sĩ, tình nguyện viên của các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Quân y 103, Y học Phòng không – Không quân, Bưu điện…, trong đó có nhiều người là con em quê hương Bắc Giang. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, câu lạc bộ tổ chức 63 chương trình thiện nguyện, trong đó có 45 chương trình được tổ chức tại quê nhà Bắc Giang; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hơn 17 nghìn người.
Nói về dự định của mình để góp phần nâng cao chất lượng công tác hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện ở Bắc Giang, PGS. TS Nguyễn Văn Chi cho biết: “Tôi cũng như những cán bộ ngành y tế người Bắc Giang luôn mong muốn có thêm nhiều cơ hội kết nối, đóng góp cho ngành y tế tỉnh nhà. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với ngành y tế tỉnh, tôi đã đề xuất tỉnh nghiên cứu xây dựng trung tâm quản lý đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực y tế; quan tâm phát triển hồi sức cấp cứu ở tuyến xã, huyện, tỉnh. Nếu chương trình triển khai, tôi sẵn lòng về quê hương để “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế”.